Grab Drivers Campaign
“Tới Luôn Bác Tài” là social campaign được thực hiện vào tháng 5/2018, thông qua những câu chuyện chân thực từ chính tài xế Grab, khách hàng sẽ hiểu hơn về công việc hằng ngày của các bác tài, và cùng Grab, chúng ta cùng nhau làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không chỉ là những tài xế tận tụy sau tay lái, họ còn là những con người chân thật với những lăng kính cuộc sống khác nhau. Nhưng tựu trung lại, ở họ đều toát lên sự ấm áp từ những cử chỉ quan tâm xuất phát từ bản thân, từ tấm lòng - điều mà có lẽ mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận từ những chuyến đi.
Creative Lead: Danh Le
Brand & Content Lead: Thanh Nguyen
Photograph: Maki Studio
_
Copyright by Grab 2018
Đối với Grab, mỗi chuyến xe là một hành trình của sự quan tâm.
- Tui tên Trương Phi... nhưng mà tui hiền khô hà, không giống cái tên đâu nha! (cười lớn)
- Trước khi chạy GrabCar tui đã là Tài xế rồi. Cái duyên lái GrabCar của tui cũng từ bà xã mà ra. Bữa đó tui đưa xe vô bãi rồi alô bà xã qua đón, bả nói chớ "khuya rồi em không chạy ra được, ông xã đợi chút em gọi xe tới rước". Tui nghĩ bụng "Bà Xã nay tung chiêu gì nữa đây?" thì một chiếc xe hơi bon bon chạy tới.
- Từ đó tui thành khách hàng thân thiết với GrabCar, ban đầu là nhờ bà xã đặt, lâu dần tự cài tự gọi luôn. Còn bây giờ tui là Đối tác GrabCar 5 sao rồi nha. Bởi vậy tui mới nói cái xe này là số 2, bà xã tui mới là số 1. Nhờ bà xã tui mới biết Grab, mới mua được xe chớ!
Người xưa có câu “nóng như Trương Phi", Grab nghĩ riêng cộng đồng GrabCar chắc phải thêm câu “Mê… Bà xã như Trương Phi" thì mới đúng điệu à nghen.
“Từ nhỏ đến giờ em khoái nhất là lái xe. Thật luôn! Hồi bé thấy mô hình xe hơi đồ chơi em mê lắm mà đâu có tiền, thế là tự nhủ sau này sẽ dùng số tiền lớn nhất dành dụm được để mua một chiếc xe hơi. Lớn hơn một chút mỗi lần đi xe đò, xe khách… em toàn xin bác tài cho ngồi kế để còn quan sát cách bác chạy, bác nhìn, bác bấm nút ra sao; rồi tìm hiểu về công thức máy, tiếng máy rồi tính năng an toàn nữa. Giờ đam mê thành nghề nghiệp rồi nên khi mua xe là em sẽ chọn chiếc mình CẦN chứ không phải THÍCH, để còn phục vụ công việc chứ. Nghề này an toàn vẫn là quan trọng nhất anh chị ha!”
Bạn thường sẽ nghe nhạc gì khi ngồi trên GrabCar?
Với anh Lê Văn Tuấn, mỗi chuyến xe đều ngập tràn âm nhạc, bởi anh tin rằng âm nhạc có thể kết nối và làm dịu đi tâm trạng của người nghe.
Anh lưu rất nhiều bài hát vào 2 chiếc USB loại 256GB, tuỳ theo tâm trạng của khách mà anh Tuấn mở nhạc như thế nào. Từ bolero đến nhạc trẻ, hễ bài nào có trên bảng xếp hạng là anh lưu về ngay.
Anh tấm tắc: "Có nhạc để nghe như vầy thì lái xe cả ngày cũng không lo đời mình nhạt nhẽo".
- Tui chạy GrabCar hay có duyên gặp những cuốc xe đặc biệt lắm: chở em bé bị sốt giữa đêm, rồi thai phụ đang chuyển dạ vô Từ Dũ,… Toàn những lúc cấp bách, lại giữa đêm hôm khuya khoắt mà người ta đặt Grab mình, tức là họ tin mình rồi. Bởi vậy mình phải nhận cuốc liền, qua giúp liền chớ!
- Tui biết bà bầu ai cũng thích bài “Nhật ký của Mẹ”, thành ra mỗi lần chở khách đi sinh tui đều mở nhẹ cho các chị nghe, để các chị thả hồn vào bài hát mà đỡ căng thẳng. Gì chứ vượt cạn là cái khoảnh khắc tự hào, nhưng nhiều đau đớn lắm.
- Hạnh phúc của tui là chở mấy chị đến nơi kịp lúc, để nhà họ kịp đón niềm hoan hỉ, mà mình cũng kịp một niềm vui.
- Trước khi lái GrabBike, mình có thời gian hoạt động trong quân ngũ. Ngoài cái màu áo xanh xanh tương đồng ra, mình nghĩ làm quân nhân hay lái GrabBike cũng cần phải điềm đạm, vững chãi, thì người khác mới tin tưởng, an tâm về mình được.
- Có lần mình đến rước chị khách, đi nửa đường chị mới phát hiện đã làm rớt cái bóp ở đâu không biết. Thấy chị lo tới xanh mặt, mình mới nói chị giữ bình tĩnh. Mình gọi lên ngân hàng và tổng đài đặng khoá thẻ và sim điện thoại dùm chị.
- Bởi vậy mình hay dặn khách đi đường giữ đồ cẩn thận, mình cũng nhắc mấy anh em lái xe khuya cẩn thận nữa. À, vì mình nằm trong Đội Cơ Động GrabBike, nói chung là mình luôn mong mọi người được an toàn, nên có lúc nào giúp được người ta là mình giúp liền hà.
Chị Nhan được Mẹ gửi vào chùa để học thêm về Phật pháp, đọc kinh, làm công quả từ hồi 15 tuổi. Biết ơn các sư thầy, hễ đón khách là người bên đạo là chị chở miễn phí hết.
- Mẹ chị dặn mình sống đừng nên đong đếm tấm lòng. Thành thử ra đường thấy ai gặp khó khăn, nhắm giúp được là chị đều giúp ngay.
- Bữa kia trên đường tới đón khách, chị gặp người ta bỏ 1 thùng bia, đem bán đống ve chai đó cũng được tiền. Cái chị nói với khách chờ mình một chút, chị quay lại nhặt thùng bia để lên bửng xe, coi có ai lang thang mình cho người ta. Ai dè chị khách cũng nhiệt tình giúp đỡ, thành ra hai chị em vừa chạy, vừa kiếm người cho ve chai. Làm được việc thiện như vậy chị vui lắm!
Chị Nhan gây ấn tượng với Grab bởi sự đôn hậu và nụ cười “híp mắt" rất dễ mến. Cám ơn chị Nhan và chúc chị mọi hành trình suôn sẻ.
“Mình vừa hoạt động xã hội về quyền LGBT, vừa chạy GrabBike cũng được gần 1 năm rồi. Điều mình mong muốn là thông qua những câu chuyện, những chia sẻ của mình, mọi người sẽ hiểu hơn về cuộc sống của các bạn trong cộng đồng, từ đó có cái nhìn khách quan hơn. Nói chung là, mình mong ai cũng được thoải mái và hạnh phúc."
- Ngày nào chú cũng chở cỡ 20 - 30 khách, mỗi người mỗi kiểu, thành thử mình cũng phải linh động phục vụ để khách hài lòng. Chú hay nói chuyện với khách, cho đoạn đường ngắn lại. Còn thấy khách im lặng thì mình tự hiểu ý, mình tập trung lái để họ thoải mái.
- Bữa chị kia đặt xe đón con đi học về, trên đường chú mới biết ba bé cũng lái GrabBike. Cũng chỗ "đồng nghiệp" không hà, nên chú nói với bé: "Cuốc này chú miễn phí con nghen!". Bé nhỏ xíu, chú coi như con cháu trong nhà ấy mà.
- Nói chung, đúng là chú chạy xe kiếm tiền thiệt, nhưng mà thấy người ta khó khăn hơn mình, mình lại thấy đồng tiền nó nhẹ tênh. Chú luôn tâm niệm như vậy, để 15 - 16 tiếng chạy xe mỗi ngày đến lúc về nhà đặt lưng lên giường ngủ, lúc nào cũng toàn là niềm vui.
“Làm mẹ đơn thân đã vất vả rồi, làm nữ tài xế mà chạy đơn độc còn vất vả nhiều hơn. Phụ nữ chân yếu tay mềm, lỡ đâu xe gặp sự cố biết xử lý sao? Rồi chưa kể mấy chuyện tế nhị, phụ nữ họ ngại nhờ cánh đàn ông giúp đỡ. Nghĩ vậy, chị mới xin lập đội cơ động nữ để chị em tham gia, trước là cho có bạn bè đỡ buồn, sau là tương trợ lẫn nhau. Từ hồi có đội, chị em có chỗ chia sẻ, chị thấy mỗi ngày đi làm nhẹ nhàng, vui lắm!”