Sunyata - The Interactive Tea Art Experience
Với tên gọi “Śūnyatā”, Dear TeaHouse không chủ đích hướng đến những khái niệm triết lý sâu xa, mà thông qua câu chuyện của mình, chúng tôi mong muốn hiến tặng, gửi gắm đến người thưởng trà một không gian trải nghiệm trà tương tác với nghệ thuật sắp đặt, để các bạn trở về với sự điềm nhiên, tự do sẵn có nơi chính bạn.
Tiếp theo chuỗi trải nghiệm trà tương tác, Dear TeaHouse ra mắt phiên bản cuối cùng mang tên “Śūnyatā” sẽ diễn ra tại số 58/4 Trương Định, Quận 1, Saigon từ ngày 18 tháng 5 đến 31 tháng 7 năm 2021.
Śūnyatā là một thuật ngữ Phật giáo tiếng Sanskrit thường được dịch gần nghĩa nhất trong tiếng Anh là “Emptiness” và “Voidness” (*), trong đó từ “Emptiness" là từ được biết đến nhiều nhất. Śūnyatā trong tiếng Việt là “Tánh không" hay “Tính không" là thuật ngữ, khái niệm có ý nghĩa vượt trên cái gọi thuật ngữ, khái niệm với nhiều tầng bậc, chiều kích ý nghĩa rất khó nắm bắt bởi lý trí và học thức mà đòi hỏi phải tự mình dấn thân để chứng nghiệm.
Trên bình diện nhận thức, hiểu biết chúng ta thường tri nhận sự tồn tại của sự vật hiện tượng thông qua những cặp khái niệm đối lập như sinh-diệt, có-không, thành-hoại, tới-đi, trong-ngoài, chủ thể-đối tượng. Đôi khi những cặp khái niệm này bóp méo cái thấy của chúng ta về thực tại, và gây cho chúng ta những mối lo, những nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, thông điệp “Tánh không" cho thấy rằng có cái không sinh, không diệt, không có, không không, không thành, không hoại để làm chỗ quay về cho tất cả những cái có, không, sinh, diệt, thành, hoại (**). Và dù muốn dù không, “Tánh không" vẫn có sẵn trong mọi sự vật, hiện tượng, có sẵn nơi bạn, nơi tôi nhưng dường như chúng ta vẫn xa lạ với cái sẵn, hiển nhiên này.
Lấy cảm hứng từ giá trị thông điệp “Tánh không - Śūnyatā”, với concept lần này, Dear TeaHouse muốn chia sẻ về trải nghiệm chính cuộc hành trình của mình. Một chương cuối cùng khép lại thành không, nhưng không phải là không có gì, không còn gì!
(*): Buswell, R. E. (2004). Encyclopedia of Buddhism
(**): Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. (2019). Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào
Trải nghiệm ŚŪNYATĀ dự kiến trình làng trong vòng 78 ngày, đánh thức tất cả giác quan và kích thích trí tưởng tượng thông qua:
01.
ŚŪNYATĀ GARDEN
Nghệ thuật sắp đặt độc đáo tại trung tâm trải nghiệm ŚŪNYATĀ được tạo dựng dành riêng cho Dear Teahouse, lấy cảm hứng từ hình ảnh cây cây tre Việt Nam. Tác phẩm được chế tác bằng tay từ hơn 2.700 lá tre từ que kem gỗ cùng hơn 350 sợi mây, 45 thân tre được tái sử dụng từ cây tre bị chặt bỏ đi và hàng ngàn đèn led để tạo nên đàn đom đóm trong rừng tre đêm.
Tre, loài cây với sức sống mãnh liệt, có lẽ đã in sâu trong tâm hồn bao thế hệ người Việt một sự thân thuộc trong mọi mặt đời sống từ vật chất đến tinh thần. Những ai xuất thân từ thôn quê chắc có lẽ không bao giờ quên được hình ảnh lũy tre làng, hay thi thoảng vẫn nhớ về tiếng chõng tre của những buổi trưa hè, âm điệu của sự mộc mạc, chân phương, những bữa cơm gia đình đầm ấm rộn rã tiếng nói cười, hương vị các món ăn làng quê từ măng tre. Hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương nhổ bụi tre ven đường để đánh đuổi giặc ngoại xâm vẫn luôn kiêu hùng trong lòng dân Việt hay trước những khí cụ tối tân, những chiếc gậy tre thô sơ vẫn bất khuất ngoan cường cùng dân ta bảo vệ sự độc lập chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Dòng thời gian vẫn miệt mài chảy xiết mặc bao biến đổi thăng trầm, và trong cái sự biến động thăng trầm đó, cây tre và ông cha ta đã gắn bó cùng nhau uyển chuyển thích nghi với ngoại cảnh cũng như thời cuộc.
Chúng tôi nhìn thấy ở cây tre, ngoài sức sống mãnh liệt, dường như còn có một sự hiền từ, điềm nhiên, tự tại, cứ sống và tốt những gì cần làm, cống hiến tất cả sự sống của mình cho đời một cách vô tư. Hình ảnh “tre già măng mọc” tạo nên trong chúng tôi một cảm tưởng về sự kế thừa, tiếp nối vững chãi, một cảm tưởng về một cái gì đó bình dị, tự tại, điềm nhiên sẵn có như sự thân thuộc của cây tre trong đời sống của chúng ta, một cảm tưởng về sự nhìn lại, vượt qua những sợ hãi về được/mất, có/không để có thể sống được một đời sống viên mãn tròn đầy. Qua concept lần này, bằng việc mượn giá trị ý nghĩa “Śūnyatā” của nền minh triết Phật giáo biểu hiện thông qua chất liệu của loại cây thân thuộc với người dân Việt Nam, chúng tôi muốn gửi gắm vào đó lời nhắc nhở đối với chính chúng tôi sự quay về, nhất là trong giai đoạn vẫn đang nhiều biến động này, quay với sự điềm nhiên, tự tại, thân quen và có sẵn bên trong tất cả mỗi người trong chúng ta.
02.
TRÀ NÕN ĐINH TÂN CƯƠNG
Là dòng trà cao cấp từ Thái Nguyên, Việt Nam. Loại trà này đạt đầy đủ mọi yêu cầu của trà truyền thống. Cánh trà mỏng và nhỏ, nước trà có màu xanh mạ non, hương vị trà ngậy béo như hạt cốm ngày mùa.
03.
BÁNH ĐẬU XANH TRÁI CÂY
Có nguồn gốc từ nền ẩm thực cung đình Huế, được tạo hình thủ công qua bàn tay người thợ làm bánh giúp bánh trở nên sống động, hấp dẫn, và không khác loại trái cây thật. Bánh đậu xanh trái cây có lớp ngoài bóng, màu sắc tươi sáng, hương thơm đậu xanh lan tỏa, vỏ đông sương dẻo dai và vị ngọt bùi béo ngậy.
04.
BỘ SƯU TẬP TRÀ LẠNH
Bộ sưu tập trà lạnh mới của Dear TeaHouse được thổi một làn gió mới qua bộ ảnh “Tea Teleportation” sử dụng khoảnh khắc thành phố cũng qua chính ống kính của nhiếp ảnh gia Marc Trần (Maki Studio) kết hợp với ánh sáng và kỹ thuật máy chiếu để tái hiện ý tưởng từ ấp ủ mang dòng trà cold brew đến khắp ngõ hẻm của Sài Gòn.
Concept & Graphic Design: Danh Le
Art installation: Thien Nguyen
Content creator: Lu Dong Phong (Let Go Dear)
Photograph: Marc Tran (Maki Studio)
Video: Dang Khoa - Kieu Tien Binh
Architecture & Furniture: Yen Nguyen (LAD Atelier)